22 tháng 3, 2019
21 tháng 3, 2019
Thủy Trần - Lá lốt trông dung dị, dân dã nhưng rất được việc. Thiết nghĩ bố trí một vài chậu...
LÁ LỐT NHÀ TRỒNG
Thủy Trần
Lá lốt có phải là loại rau giàu dinh dưỡng hay không thì Thủy không biết nhưng có một điều Thủy biết, nó rất dễ trồng, dễ chăm sóc và dễ phát triển. Mang một mớ gốc thân từ vườn rau cô Thuyết Đỗ ở nhà nội lên trồng và giờ Thủy có một vạt lá lốt xinh xắn nhìn mát mắt, vừa làm kiểng vừa tạo mảng xanh trong khuôn viên nhà.
Lá lốt được sử dụng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như om, chả, canh, rang, chiên, xào,… Nhưng hai món mà Thủy thích nhất và có lẽ các anh chị em cũng thích, đó là Bò nướng lá lốt và Canh khoai lá lốt.
Tới mùa, được bà con Suối Nghệ gởi khoai sọ lên cho, là dịp cả nhà ăn canh thay cơm. Sườn non nấu với khoai, thêm lá lốt xắt sợi, nêm mắm muối gia vị cho vừa ăn. Vị bùi của khoai, vị ngọt béo của sườn non, vị thơm nồng của lá lốt làm cho món ăn tràn đầy sự hấp dẫn.
Còn Bò nướng lá lốt thì khỏi phải nói, đó là món khoái khẩu của hai đứa con Thủy. Cách vài tuần là chúng lên chương trình nướng một lần. Thủy chỉ việc lo mua thịt bò về chế biến, nêm nếm gia vị để sẵn, phần việc còn lại hai chị em chia nhau ra làm. Cậu trai luôn đảm nhận khâu nướng. Chị gái lo chuẩn bị bún tươi, rau sống, thơm, khế chua, chuối chát và làm mắm nêm để chấm (và không quên vài lon bia cho ba Đoang Hồ). Thường thì bọn trẻ kèm thêm vài món nướng nữa như sườn nướng, tôm nướng, rau củ quả nướng,... Thế là gia đình có một bữa BBQ thịnh soạn, dân dã, ấm áp.
Người ta nói, lá lốt còn là cây thuốc có công dụng chữa nhiều thứ bệnh dân gian như đau nhức xương khớp, đau bụng nhiễm lạnh, ra mồ hôi tay, đau lưng đau chân, đầy bụng, khó tiêu,... Nhưng Thủy chỉ mới biết dùng lá lốt để giải cảm. Hái khoảng 20 lá lốt già xắt sợi, một ít hành tím, tỏi, gừng xắt mỏng, một nắm gạo vo sạch. Tất cả cho vào nồi nấu như cháo, để sôi chừng 20 phút, nhấc xuống và cho vào một quả trứng gà khuấy đều, thêm gia vị, thêm chút mắm nhà làm cho vừa miệng. Đó là món ăn nóng có tác dụng giải cảm, kích thích ra mồ hôi.
Lá lốt trông dung dị, dân dã nhưng rất được việc. Thiết nghĩ bố trí một vài chậu trong sân nhà vừa làm đẹp vừa tiện lợi khi có nhu cầu ăn uống là không quá khó. Anh chị em nào cần cây giống, liên hệ Thủy sẵn sàng chia sẻ.
(21/03/2019)
15 tháng 3, 2019
Đoang Hồ - Nhiều khi lòng bạc dạ vôi. Ly tan chợt tiếc chỗ ngồi hôm qua...
NHIỀU KHI
Đoang Hồ
Nhiều khi tôi lặng lẽ tôi
Rượu mơn mởn đợi, tình vời vợi xa
Nhiều khi môi ngọc mắt ngà
Dửng dưng chua chát ngang qua tim mình
Nhiều khi trời rộng đất rinh
Năm mười cút bắt đâu hình bóng nhau?
Nhiều khi sương dãi gió dầu
Gần mùi phố thị quên lau lách đời
Nhiều khi lòng bạc dạ vôi
Ly tan chợt tiếc chỗ ngồi hôm qua...
(13/03/2019)
13 tháng 3, 2019
12 tháng 3, 2019
Thủy Trần - Làm mắm cực kỳ công phu nhưng khi cầm chai mắm nước đỏ au, sánh quạnh, thơm lừng,... kết quả của bao tháng ngày chờ đợi...
MẮM NHÀ LÀM
Thủy Trần
Mấy năm trước, có nhóm bạn học tới nhà chơi, thấy một dãy lu thạp to nhỏ ngoài vườn, các bạn tò mò hỏi. Thủy bảo lu thạp dùng muối mắm, các bạn lắc đầu không tin. Cũng phải, dân thành phố có được mấy ai tự làm mắm để ăn. Mắm muối đã có sẵn ngoài siêu thị, cửa hàng, cần thì ra mua về dùng.
Quê Thủy gốc miền Trung, tuy sống ở Sài Gòn từ nhỏ, nhưng do tính cách nội trợ lo toan nên những gì liên quan bếp núc, ăn uống,... Thủy đều cố gắng tìm hiểu, học hỏi. Nhà không làm mắm gia truyền nhưng từ bà ngoại đến mẹ, dì rồi giờ đến Thủy đều tự muối mắm, lọc mắm dùng quanh năm trong nhà. Công thức, ngón nghề thì chắc cũng có một chút truyền lại từ bà ngoại. Cũng là từ công thức chung trong dân gian mà thôi nhưng tùy loại cá, tùy mùa mà Thủy gia giảm tỷ lệ muối cho vừa.
Một muối Cà Ná, ba cá Bình Tuy
Mắm nhà làm chấm với gì cũng ngon
Nguồn cá để muối mắm Thủy thường lấy từ La Gi, Ninh Chử. Người ta nói, con cá đánh bắt ở biển khơi miền Trung khi muối cho ra nước mắm thơm ngon hơn những nơi khác, có thể do lượng phù sa, phiêu sinh vật trong nước biển ở mỗi vùng miền khác nhau. Tới mùa cá cơm, cá nục là Thủy gọi điện cho người quen đóng bao gởi vô, Sài Gòn chỉ có mỗi việc chuẩn bị lu thạp sạch sẽ, muối hạt Cà Ná sẵn sàng. Mắm nhà Thủy làm gối đầu, năm nay muối cho năm sau lọc dùng nên không lo đứt bữa. Những chai mắm nước sau khi lọc, được nhà để dành dùng quanh năm, thi thoảng dịp lễ, Tết biếu cho bạn bè, người thân đôi chai xem như cái lộc dùng lấy thảo.
Làm mắm cực kỳ công phu nhưng khi cầm chai mắm nước đỏ au, sánh quạnh, thơm lừng,... kết quả của bao tháng ngày chờ đợi... lòng thấy vui lên và quên hết những nhọc nhằn, vất vả.
(12/03/2019)
3 tháng 3, 2019
Đoang Hồ - Yến Phụng. Giờ tôi phải có trách nhiệm thương yêu chiều chuộng chúng. Hôm nào chán đi rượu với các lão CTG, tôi lại viện lý do: "Tớ bận chăm chim..."
CHUYỆN CHIM (1)
Đoang Hồ
Không biết từ lúc nào, tôi tự nguyện bị cuốn vào cái trào lưu chơi chim ở khu phố của mình. Người ta nói chơi chim là nghệ thuật, chơi chim là đẳng cấp. Nghệ thuật thì tôi hiểu đôi chút nhưng đẳng cấp thì tôi chẳng hiểu chút nào.
Hôm rồi trên facebook, thấy đứa cháu đem chim ra khoe. Chim mới rựng lông tơ, đã khoe. Chim vừa rậm lông, khoe tiếp. Nghĩ cũng đúng, có chim để khoe mới cảm thấy sướng làm sao!
Đầu năm, ngồi hóng ở quán Cafe Chim gần nhà. Các sư phụ bàn ra tán vào xôn xao về mã lông của chú chim mới tham gia hội. Đến đoạn cao trào, một chủ chim lớn tiếng: "Anh đi mà lo chim anh, chỉ chỏ chim tôi làm gì? Lông với chả lá...". Thấy mấy cô gái ngang qua, bụm miệng cười, đỏ mặt.
Bàn tới đoạn chim bệnh, nghĩ càng vui. Hồi nào chỉ nghe bác sỹ về mèo, về chó,... chứ chưa nghe bác sỹ chim bao giờ. Ấy thế mà có một sư phụ thao thao bất tuyệt câu chuyện đưa chim đi chữa bệnh. Nào là vị bác sỹ chim quá tính toán, chim già thu phí gấp đôi chim trẻ mà chẳng giải thích lý do. Một sư phụ khác cắt ngang: "Thôi, hôm nào chim anh có bệnh thì chịu khó mang vô bệnh viện Bình Dân đi...". Cả đám cười ồ...
Bàn tới đoạn tổ chức tân niên trong hội chim khu phố, vị sư phụ chủ tịch đứng lên vỗ tay xin cả hội im lặng và phát biểu: "Nãy giờ, anh em chúng ta đã cười đùa nghịch ngợm vui vẻ. Giờ bàn đến chuyện làm tân niên cho hội, tôi xin nghiêm chỉnh nói và xin các anh em cùng nghiêm chỉnh nghe...". Cả đám lại cười rần rần, nghiêng ngửa...
Thôi. Tôi xin dừng câu chuyện để về lo tắm chim của mình đây. Chả là hôm đám giỗ cuối năm, sư thúc Hải Biên nằng nặc, năn nỉ tặng cho bằng được hai cặp chim Yến Phụng. Giờ tôi phải có trách nhiệm thương yêu chiều chuộng chúng. Hôm nào chán đi rượu với các lão CTG, tôi lại viện lý do: "Tớ bận chăm chim...".
(01/03/2019)